Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Chiều 20/01/2021, tại Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Tham gia buổi làm việc có đại diện một số bộ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, các đồng chí trong Ban Thường trực Trung ương Hội, đại diện các ban và một số Hội NNCĐDC/dioxin các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên; đại diện Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB),…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Hội; kết quả vận động nguồn lực; công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh cũng nêu ra những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay,…

Chủ tịch HNN CĐDC/Dioxin Việt Nam – Nguyễn Văn Rinh báo cáo tình hình

Chủ tịch Nguyễn Văn Rinh đề nghị: Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐTB & XH chủ trì phối hợp các cơ quan tiến hành điều tra, toàn diện NNCĐDC trong cả nước. Chỉ đạo Bộ Y tế tham mưu để Chính phủ ban hành nghị định về giám định y khoa và danh mục bệnh, tật liên quan đến CĐHH. Đề nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu trợ cấp đối với người phục vụ, nuôi dưỡng nạn nhân nặng hoặc nhiều nạn nhân trong một gia đình và các Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC. Do tính chất đặc thù của Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đề nghị giữ nguyên tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin, không sáp nhập với các hội quần chúng khác.

Ông Phạm Ngọc Kiểm, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Nam Định phát biểu

Ông Phạm Ngọc Kiểm, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Nam Định đã báo cáo làm rõ thêm tình hình hoạt động của Hội ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở; những khó khăn trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, chế độ đối với nạn nhân là thế hệ thứ 3, 4; nghiên cứu các trường hợp mất hồ sơ trong chiến tranh; chế độ người nuôi dưỡng nạn nhân; người làm công tác hội, cụ thể là:

  1. Về chế độ chính sách:
  2. Đề nghị nhà nước sớm có chính sách cho thế hệ cháu của nạn nhân CĐHH ( thế hệ thứ ba)  được hưởng chế độ.
  3. Đối với nạn nhân đang hưởng chế độ nếu mắc bệnh hiểm nghèo đề nghị được giám định lại để được hưởng chế độ tương xứng mức độ bệnh tật và suy giảm sức khỏe hiện hành.
  4. Sớm có hướng giải quyết cho những người bị mất giấy tờ gốc để họ sớm được hưởng chế độ CĐHH vì thời gian sống của họ không còn nhiều nữa.
  5. Có chế độ cho người nuôi dưỡng nhiều nạn nhân tàn tật như trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế bởi vì số người này hiện nay rất khổ và khó khăn.
  6. Giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng đề án nuôi dưỡng chăm sóc nạn nhân gián tiếp bị tàn tật khi bố mẹ qua đời không nơi nương tựa theo hình thức công lập. Đây là nhiệm vụ lâu dài vượt qua tầm với của hội.
  7. Đối với công tác Hội:
  8. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về hội để thực hiện thống nhất trong toàn quốc (Hiện nay các đơn vị và địa phương rất trông chờ)
  9. Trong khi chưa có Luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm, thống nhất nghị định 45/2010/NĐ-CP về tổ chức quản lý hội nhất là hội có tính chất đặc thù, để hội được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ của hội đặc thù mà nghị định đã quy định.
  10. Quyết định 30/2011/QĐ-TTg ngày 01-6-2011 của thủ tướng chính phủ vẫn còn hiệu lực chưa có văn bản nào thay thế. Đề nghị thủ tướng chính phủ quan tâm cho kiểm tra rà soát tỉnh nào đã thực hiện tốt, tỉnh nào chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt cần chấn chỉnh uốn nắn kịp thời để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Vì hấu hết cán bộ làm chuyên trách công tác hội các cấp hiện nay đều đã nghỉ hưu, tuy có tấm lòng tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình vì đồng đội, vì nạn nhân nhưng không thể nào cứ “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”mãi được, vì họ còn có gia đình, phải tái đầu tư sức khỏe, phải có sự quan tâm và đãi ngộ nhất định để họ đỡ thiệt thòi yên tâm làm công tác hội.

Phát biểu giải quyết kiến nghị của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, đại diện các bộ, ngành đều thể hiện sự chia sẻ với khó khăn của Hội cũng như những đau thương, mất mát, vất vả của NNCĐDC. Đồng thời, hứa sẽ nghiên cứu, giải quyết nghiêm túc, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ. Những vấn đề cần phối hợp nghiên cứu sẽ trình Thủ tướng phê duyệt. Tập trung bổ sung chính sách, quy định, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ bảo đảm kinh phí theo nhiệm vụ.

Sau khi nghe báo cáo của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và ý kiến của đại biểu trong buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học, chủ yếu là chất độc da cam chứa dioxin, làm cho 3 triệu người trở thành nạn nhân. Chúng ta phải có trách nhiệm hoàn thiện các chế độ, chính sách để NNCĐDC được thụ hưởng, giúp nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng biểu dương: Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã phát huy tốt tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam” nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động. Đến nay, Hội được tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố; trên 600 huyện, quận; trên 6.500 xã, phường với trên 400.000 hội viên. Cán bộ hội đa số là những cựu chiến binh, trong đó một số là NNCĐDC đã phát huy bản chất, truyền thống của quân đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hội các cấp đã vận động được gần 2.664 tỷ đồng là một con số ấn tượng.

Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ và tri ân đối với những người đã tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chịu nhiều mất mát, đau thương và khẳng định: “Chúng ta sẽ làm hết sức mình, kể cả vận động quốc tế, xã hội hóa nguồn lực, cùng ngân sách Nhà nước để có nguồn lực cho Hội và những người bị nhiễm có điều kiện tốt hơn”. Chúng ta cố gắng quan tâm tới tất cả các nạn nhân, kể cả thế hệ thứ 3. Thủ tướng yêu cầu Hội NNCĐDC/dioxin các cấp:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Bám sát nhiệm vụ tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Hội, triển khai thực hiện theo tinh thần “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí và truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa da cam, trong đó tập trung tuyên truyền Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam cả trong nước và quốc tế. Xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân. Chú trọng công tác vận động nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp hội. Động viên toàn xã hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, trước mắt chăm lo tết Tân sửu 2021 cho NNCĐDC. Kiên trì cuộc vận động, đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC bằng những bước đi, hình thức, biện pháp phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Giải quyết các kiến nghị của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nan, Thủ tướng chỉ đạo:

  1. Về tăng cường công tác tuyên truyền; về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và NNCĐDC, về hoạt động hỗ trợ đấu tranh đòi công lý, đã được thảo luận tại Hội nghị Tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vào ngày 8/1 vừa qua. Thủ tướng đã giao Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực chủ trì; đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 701 ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tổng hợp báo cáo Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo 701.
  2. Nghiên cứu cơ chế quản lý các Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC của Hội NNCĐDC/dioxin theo hướng Nhà nước tăng cường hỗ trợ kết hợp với xã hội hóa để có điều kiện chăm sóc, phục vụ NNCĐDC tốt hơn.
  3. Quan tâm hỗ trợ tài chính cho Hội NNCĐDC/dioxin theo nhiệm vụ cụ thể.
  4. Đồng ý tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam. Ban Chỉ đạo 701 và các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ để các hoạt động Kỷ niệm diễn ra thành công
  5. Thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” đối với Tạp chí Da cam Việt Nam. Theo đó Tạp chí Da cam Việt Nam nằm trong danh mục các loại báo, tạp chí được hỗ trợ kinh phí cấp cho các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; sát cánh cùng Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam trong cuộc đồng hành nhân ái vì NNCĐDC. Đồng thời tin tưởng rằng Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc này. Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải quyết đầy đủ những kiến nghị của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

Thủ tướng đã viết lưu niệm trong Sổ vàng truyền thống của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Hội.

Thủ tướng trao tặng 50 ngôi nhà tình nghĩa cho Nạn nhân CĐDC

Nhân dịp đến thăm Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, Thủ tướng đã trao tặng 50 nhà tình nghĩa cho gia đình NNCĐDC khó khăn về nhà ở và tặng Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC Việt Nam 500 triệu đồng.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh thay mặt Trung ương Hội đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho Thủ tướng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng

Văn phòng Tỉnh Hội

TƯ VẤN MIỄN PHÍ